Chi tiết tin

Hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hoá nông nghiệp”

Sáng nay (21/2), Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành trong cả nước về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành ở trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan. 

IMG_6151.JPG

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.

Cùng với đó, cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi: Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%; các khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65%. Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Về công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp, đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực (HP), chiếm trên 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15%. Cả nước hiện có 7.803 doanh nghiệp cơ khí (có 95 doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng); gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp; 1.218 cơ sở chuyên sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành máy móc, thiết bị.

21.2. TTCP.jpg

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện nay, nông nghiệp Việt Nam còn tiềm năng lớn, có thể làm giàu từ nông nghiệp. Tuy vậy, lãng phí và thất thoát trong nông nghiệp vẫn còn cao trong các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản. Cơ giới hóa còn thấp, thấp hơn cả Thái Lan, nên năng suất lao động nông nghiệp thấp. Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp và đặc biệt là tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam để đón bắt thời cơ mới, trong điều kiện mới của Việt Nam, một nước nông nghiệp nhiệt đới gió mùa với lợi thế khác với nhiều nước.

Để bảo đảm triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030 và Đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong tốp 5 nước hàng đầu thế giới về Chế biến rau, củ, quả; thủy, hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ; trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013.

Bộ Công Thương triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông lâm ngư nghiệp thuộc danh mục ưu tiên đầu tư phát triển; thực hiện Chương trình cơ khí trọng điểm tập trung một số dự án phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch; xây dựng đề án, kế hoạch phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, phân phối sản phẩm.

Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã trong lĩnh vực nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá về năng lực của ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là ưu đãi các doanh nghiệp, dự án đầu tư chế biến nông lâm thủy sản, cơ giới hóa nông nghiệp.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, bên cạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, phải chủ động xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn một cách thực chất và hiệu quả hơn.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong các năm qua ngành công nghiệp chế biến nông sản đã hình thành và phát triển được một hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản có công suất thiết kế lên đến 800.000 tấn nguyên liệu/năm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 640 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Trong đó có 600 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2019 đạt 46,79 ngàn tỷ đồng, chiếm 23,72% trong giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến. Về cơ giới hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 35 loại máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu ở các khâu như: bơm nước tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, vận chuyển và phương tiện khai thác hải sản.

Nguyễn Hằng

Tin mới hơn
Tin cũ hơn