Chi tiết tin

Chính sách mới của Trung ương phát sinh hiệu lực trong tháng 12/2020

Nhiều chính sách về kinh tế - xã hội quan trọng sẽ phát sinh hiệu lực trong tháng 12/2020 như: quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn; quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ;...

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản

Nghị định 119/2020/NĐ-CP  ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; có hiệu lực từ ngày 01/12/2020. Trong quy định tại nghị định lần này, có nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh như mức phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí.

Cụ thể, nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng sẽ bị phạt 5 - 10 triệu đồng; trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ bị phạt 50 - 70 triệu đồng; đối với trường hợp gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng sẽ bị phạt 70 - 100 triệu đồng.

Cả ba trường hợp nêu trên, báo chí đều buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Riêng trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động 1 - 12 tháng.

Nghị định cũng quy định cụ thể về trường hợp cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi. Trong đó, cơ quan báo chí sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng nếu không thực hiện việc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; không thông báo cho các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận việc sử dụng tin bài của báo mình để thực hiện đăng lại lời cải chính, xin lỗi hoặc cải chính,…

Trường hợp không cải chính, xin lỗi theo quy định; không đăng, phát nội dung kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trên báo chí thì cơ quan báo chí sẽ bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng.

Ngoài ra, vi phạm quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp có thể bị phạt đến 200 triệu đồng; hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng; cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng; ...

Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định 120/2020/NĐ-CP ban hành ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 01/12/2020.

Nghị định nêu rõ: Các đơn vị sự nghiệp công lập mới phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo về chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập mới phải tự đảm bảo về chi thường xuyên và chi đầu tư.

Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại hoặc giải thể. Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó của đơn vị và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

Quy định mới về khiếu nại và giải quyết khiếu nại

Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2020 và thay thế Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại.

Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định một số biện pháp thi hành Luật Khiếu nại gồm: hình thức khiếu nại; khiếu nại lần hai; đại diện thực hiện việc khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; xem xét việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật; xử lý hành vi vi phạm.

Nghị định cũng quy định người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại.

Quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn; có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.

Trong đó, Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn với mức phạt cao nhất đến 10 triệu đồng. Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.

Nghị định nêu rõ: phạt tiền từ 6-16 triệu đồng với tổ chức nếu thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế; không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ; tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước. Cá nhân nếu vi phạm sẽ bị phạt từ 3-8 triệu đồng.

Tiêu chí khai thuế GTGT, thuế TNCN theo quý

Có hiệu lực từ ngày 05/12/2020, Nghị định 126/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, trong đó quy định tiêu chí khai thuế theo quý đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Đáng chú ý, Nghị định đã nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên. 

Quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan

Có hiệu lực từ ngày 10/12/2020, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Nghị định quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Trong đó, đối với vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra, Nghị định quy định phạt tiền từ 8 – 12 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan hải quan.

Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan; không cung cấp hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh cho cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng quy định cụ thể các mức phạt đối với người xuất cảnh không khai, khai sai số tiền, vàng mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định. Cụ thể, phạt 1 - 3 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị 5 - 10 triệu đồng; phạt 5 - 15 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị 30 - dưới 70 triệu đồng; phạt 15 - 25 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị 70 - dưới 100 triệu đồng; phạt từ 30 - 50 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ

Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có hiệu lực từ ngày 20/12/2020.

Nghị định nêu rõ, những người có nghĩa vụ kê khai theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng bao gồm:

1- Các ngạch công chức và chức danh sau: Chấp hành viên; điều tra viên; kế toán viên; kiểm lâm viên; kiểm sát viên; kiểm soát viên ngân hàng; kiểm soát viên thị trường; kiểm toán viên; kiểm tra viên của Đảng; kiểm tra viên hải quan; kiểm tra viên thuế; thanh tra viên; thẩm phán.

2- Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định này.

3- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghị định cũng đề cập đến việc xử phạt hành vi kê khai không trung thực. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ sẽ không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

Ngoài ra, người kê khai không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau hai lần được đôn đốc bằng văn bản thì có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Quy định mới về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Nghị định 132/2020/NĐ-CP ban hành ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Nghị định quy định cụ thể về xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó nêu rõ tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết: Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.

Chế độ, chính sách đối với phạm nhân

Có hiệu lực từ ngày 25/12/2020, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ban hành ngày 09/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự; trong đó quy định cụ thể chế độ ăn, mặc, tư trang, chăm sóc y tế đối với phạm nhân; chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và chế độ đối với trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam.

Nghị định nêu rõ: Phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 7 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 1 kg thịt lợn; 1 kg cá; 5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 2 lít dầu ăn; 1 kg bột ngọt; 5 kg muối; gia vị khác; chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than. So với quy định trước đây, chế độ ăn đã tăng thêm 2 kg cá; 3 kg thịt lợn; bổ sung dầu ăn và gia vị khác.

Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định trên, phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá 3 lần định lượng ăn trong một tháng cho mỗi phạm nhân và phải thông qua hệ thống lưu ký và căng tin phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân của cơ sở giam giữ.

Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021-2022

Thông tư số 43/2020/TT-BGDĐT và 44/2020/TT-BGDĐT  của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6, được áp dụng từ năm học 2021-2022 có hiệu lực từ ngày 19/12/2020.

Hướng dẫn xếp lương viên chức phát thanh viên, quay phim

Thông tư 30/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn bổ nhiệm, xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim, được áp dụng từ 12/12/2020.

Hướng dẫn bảo vệ việc làm cho người tố cáo

Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1/12/2020.

Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, thân nhân của người tố cáo bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động (người được bảo vệ); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.

Ngọc Dung (tổng hợp)

Tin mới hơn
Tin cũ hơn