Chi tiết tin

Một số chính sách Trung ương phát sinh hiệu lực trong tháng 4-2021

Quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi; sứa đổi một số quy định về thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu; Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao; Sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT; quy định mới về thu phí hải quan;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2021.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi

Có hiệu lực từ ngày 01/03/2021, Nghị định 14/2021/NĐ-CP ban hành ngày 01/03/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.

Trong đó, Nghị định quy định mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị phạt tiền với các mức phạt như sau: Từ 1-3 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 3-5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 5-7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trạng quy mô lớn.

Hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải chăn nuôi cho cây trồng bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 5-7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 7-10 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trạng quy mô lớn (*).

Hành vi vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi sẽ bị phạt tiền với mức phạt như (*) nêu trên.

Mức phạt tiền quy định nêu trên là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Sửa đổi một số quy định về thuế xuất khẩu, nhập khẩu

Nghị định 18/2021/NĐ-CP ban hành ngày 11/03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 25/04/2021.

Trong đó, bổ sung Điều 29a miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Chủng loại, định lượng hàng hóa được quy định tại điều ước quốc tế; văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan quản lý chuyên ngành trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định chủng loại, định lượng miễn thuế. Trường hợp cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành thì căn cứ theo văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế.

Theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP, nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, sẽ được miễn thuế nhập khẩu trong 05 năm để sản xuất phục vụ các dự án sau:

- Dự án đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư

- Dự án đầu tư thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

- Dự án đầu tư của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ

Thời gian bắt đầu sản xuất là thời gian sản xuất chính thức, không bao gồm thời gian sản xuất thử. Người nộp thuế tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về ngày thực tế sản xuất và thông báo trước khi làm thủ tục hải quan.

Hết thời hạn miễn thuế 05 năm, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ thuế theo quy định đối với lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu đã được miễn thuế nhưng không sử dụng hết.

Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao mới áp dụng từ 30/4/2021

Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao có hiệu lực từ 30/4/2021.

Theo đó, doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 18 của Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và khoản 3 Điều 76 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, đồng thời đáp ứng 3 tiêu chí, trong đó có tiêu chí doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.

Sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT

Có hiệu lực từ ngày 27/4/2021, Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một trong những điểm được bổ sung trong quy chế thi tốt nghiệp THPT là thí sinh hạnh kiểm yếu năm trước thi lại phải có xác nhận của địa phương; thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra về khi hết thời gian của buổi thi (quy định hiện nay là hết 2/3 thời gian). Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung một số lỗi bị đình chỉ thi.

Về điểm khuyến khích, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba cá nhân trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh được cộng 2 điểm; giải khuyến khích trong kỳ thi quốc gia hoặc giải nhì cấp tỉnh được cộng 1,5 điểm; giải ba cấp tỉnh được cộng 1 điểm

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi đầy đủ 3 bài độc lập và một bài tổ hợp. Còn thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi hai bài độc lập là Toán và Ngữ văn cùng một bài tổ hợp. Nhóm này có thể đăng ký dự thi thêm bài Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.

Quy định mới về thu phí hải quan

Có hiệu lực từ ngày 5/4/2021, Thông tư số 14/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh.

Theo đó, việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh có một số điểm mới so với quy định trước đây.

Cụ thể, Thông tư bổ sung thêm đối tượng nộp phí hải quan là: Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập theo Nghị định số 64/2020/NĐ-CP ngày 10/6/2020 của Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.

Đồng thời, Thông tư cũng bổ sung quy định mức thu phí hải quan cấp sổ ATA và phí hải quan cấp lại sổ ATA như sau: Phí hải quan cấp sổ ATA, mức thu 1.000.000đ/sổ; Phí hải quan cấp lại sổ ATA, mức thu 500.000đ/sổ.

Phí hải quan kiểm tra giám sát, hoặc tạm dừng làm thủ tục Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mức thu 200.000 đồng/01 đơn; Lệ phí đối với phương tiện vận tải quá cảnh đường thủy (gồm: tàu, ca nô, xà lan) là 500.000 đồng/phương tiện…

Điều kiện cấp Giấy phép lái tàu tuyến đường sắt đô thị

Thông tư 05/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 33/2018/TT-BGTVT về điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu (GPLT) trên đường sắt có hiệu lực từ ngày 15/04/2021.

Theo đó, điều kiện cấp GPLT cho các lái tàu đầu tiên trên các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam gồm:

- Có đủ hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Thông tư 33/2018/TT-BGTVT ;

- Là nhân sự lái tàu được DN kinh doanh đường sắt đô thị hoặc CĐT dự án (hoặc tổ chức được CĐT giao quản lý dự án) đánh giá đạt yêu cầu khi trực tiếp điều khiển đoàn tàu bảo đảm an toàn trong thời gian vận hành thử toàn hệ thống của Dự án;

- Đã được Hội đồng sát hạch cấp GPLT đánh giá đạt yêu cầu theo quy định.

Thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động dịch vụ kế toán

Ngày 25/01/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 09/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán.

Theo đó, thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ được quy định như sau:

- 3 năm/lần đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán mà trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra có:

+ Doanh thu dịch vụ kế toán từng năm trên báo cáo tài chính từ 20 tỷ đồng trở lên.

+ Mỗi năm có từ 100 khách hàng dịch vụ kế toán trở lên.

- Ít nhất 5 năm/lần đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán không thuộc đối tượng nêu trên.

(Hiện nay, Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 32/2007/QĐ-BTC quy định: “Các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán phải được kiểm tra chất lượng định kỳ 3 năm một lần”).

Đổi mẫu thẻ BHYT mới từ 01/4/2021

Quyết định 1666/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/4. Theo đó, thẻ BHYT sẽ được in plastic, thay vì chỉ là một mảnh giấy mỏng manh như thẻ cũ; do đó, sẽ hạn chế được tình trạng nhàu nát, ẩm mốc, rách hỏng khi gặp nước. Kích thước thẻ nhỏ gọn như một chiếc thẻ ATM, chỉ dài 85,6mm và rộng 53,98mm trong khi mẫu thẻ cũ dài đến 98mm và rộng 66mm. Mã số trên thẻ cũng được điều chỉnh từ 15 ký tự xuống còn 10 ký tự. Mức hưởng của người tham gia BHYT sẽ được thể hiện tại góc bên phải của thẻ, theo các kí tự từ 1 đến 5.

Một điểm mới nữa là mặt sau của thẻ bảo hiểm y tế có in thông tin hướng dẫn kiểm tra chi phí khám chữa bệnh, thông tin thẻ và thắc mắc liên hệ Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện cấp thẻ hoặc Tổng đài 19009068.

Thẻ bảo hiểm xã hội cũ sẽ vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến khi hết thời hạn sử dụng. Thẻ mẫu mới sẽ do bảo hiểm xã hội các tỉnh cấp khi đã sử dụng hết phôi thẻ cũ. 

Ngọc Dung (sưu tầm)

Tin mới hơn
Tin cũ hơn