Chi tiết tin

Hội nghị trực tuyến Tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020

Sáng nay (11/6), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thừa ủy quyền Lãnh đạo tỉnh, ông Đỗ Minh Tuấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì Hội nghị; cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Theo báo cáo đánh giá của Cục Chăn nuôi, sau gần 6 năm triển khai, Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ đã tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi cũng như giúp tăng thu nhập của các hộ chăn nuôi từ 5-10%. Tổng kinh phí hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi trên toàn quốc là 832,781 tỷ đồng, nguồn kinh phí tuy không lớn nhưng Chính sách đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp ổn định sinh kế cho người dân; góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp; từng bước chuyển đổi hướng sản xuất từ chú trọng năng suất, sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị, an toàn thực phẩm; cập nhật, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi...

Thông qua thực hiện Chính sách, các địa phương đã hỗ trợ miễn phí tinh trâu, bò, lợn chất lượng cao nhằm cải tạo đàn giống trên địa bàn, nâng cao năng suất, chất lượng cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, chính sách cũng hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đang là bức xúc hiện nay; đồng thời nâng cao sức khỏe người dân thông qua việc giảm mùi hôi, ô nhiễm không khí,… Ngoài ra, các sản phẩm của các công trình xử lý chất thải chăn nuôi còn cung cấp thêm nguồn chất đốt, phân bón cho cây trồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.

IMG_9031.JPG

Trong giai đoạn 2015-2020, cả nước đã hỗ trợ 5,062 triệu liều tinh lợn, phối giống cho 1,84 triệu lợn nái; hỗ trợ 2,714 triệu liều tinh trâu, bò, phối giống cho 1,913 triệu lượt con trâu, bò. Tổng số trâu, bò đực giống được hỗ trợ là 1.948 con với kinh phí 20,5 tỷ đồng; lợn đực giống được hỗ trợ là 528 con với kinh phí 1,9 tỷ đồng và 146.000 con gà, vịt giống bố mẹ được hỗ trợ với kinh phí 3,376 tỷ đồng. Các địa phương cũng hỗ trợ xây dựng 54.947 công trình khí sinh học, 112.174 mô hình đệm lót sinh học và đào tạo mới 1.135 người với kinh phí 6,135 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ vẫn tồn tại một số hạn chế, điển hình như: một số tỉnh, thành chưa chủ động được ngân sách địa phương; đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ mua con giống là các nông hộ ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập thấp nên chưa chú trọng đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới để phát triển chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi; thủ tục, hồ sơ hỗ trợ còn phức tạp, không thuận lợi khi áp dụng triển khai…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 của các địa phương. Thứ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp thu, tổng hợp, những kiến nghị của các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách hỗ trợ mới về chăn nuôi, trong đó sẽ chú trọng đến chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo hướng bền vững và hiệu quả.      

* Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, Tỉnh đã triển khai hỗ trợ 7.085 liều tinh giống bò chuyên thịt và các vật tư kèm theo phục vụ công tác phối giống nhân tạo với mức hỗ trợ 100% kinh phí; hỗ trợ dê và bò giống cho 1.200 hộ đồng bào dân tộc, với kinh phí 10.000.000 đồng/hộ; 12 mô hình gà thả vườn (6.000 con), 5 mô hình heo rừng lai (70 con), 20 mô hình bò cái giống (20 con), 14 mô hình dê giống (70 con). Bên cạnh đó, Tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng 1.862 công trình khí sinh học với tổng kinh phí hỗ trợ trên 7,8 tỷ đồng; kết quả đã có 39,5% số hộ chăn nuôi dưới hình thức nông hộ đã thực hiện xử lý chất thải chăn nuôi bằng hình thức Biogas, ứng dụng đệm lót sinh học, ứng dụng chế phẩm sinh học.

Nguyễn Thúy

Tin mới hơn
Tin cũ hơn